Trung Quốc góp sức làm dịu căng thẳng thanh khoản toàn cầu

Ngày đăng : 04/12/2011 - 12:00 AM

Số liệu thống kê sơ bộ cho thấy tháng 10 vừa qua là tháng đầu tiên kể từ năm 2008 xảy ra tình trạng dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc.

 

                              

 

Khi các ngân hàng trung ương chủ chốt thế giới vội vã công bố các biện pháp nhằm làm dịu bớt sự căng thẳng trên các thị trường vốn toàn cầu, Trung Quốc cảm thấy không thể đứng ngoài cuộc và Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) đã sớm có động thái nới lỏng chính sách tiền tệ tương tự như hồi tháng 10/2008 - đó là hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại lần đầu tiên trong gần 3 năm qua. Đối với Trung Quốc đây là cơ hội thể hiện vai trò tham gia ngày càng lớn của họ vào việc hoạch định chính sách toàn cầu và ổn định các thị trường quốc tế, từ đó thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc.

 

Theo nhà kinh tế độc lập Andy Xie, thời điểm Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ sớm hơn dự đoán và chính nỗ lực phối hợp của 6 ngân trung ương chủ chốt toàn cầu nhằm tăng khả thanh khoản cho các ngân hàng thương mại đã thôi thúc Trung Quốc có hành động nhanh như thế. Cuối cùng Trung Quốc phải hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, lạm phát dịu bớt và đáng lo ngại hơn là tình trạng chảy vốn tăng mạnh.

 

Trong đợt khảo sát mới đây của Reuters, các nhà kinh tế dự báo Trung Quốc sẽ có đợt hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đầu tiên vào tháng 12 với mức cắt giảm khoảng 200 điểm cơ bản xuyên suốt năm 2012 từ mức đỉnh 21,5% hiện nay nhưng đợt cắt giảm bất ngờ hôm 30/11 đã điều chỉnh đáng kể dự báo đó.

 

Nhà kinh tế cao cấp Kevin Lai từ Daiwa Capital Markets tại Hồng Công dự đoán năm 2012 Trung Quốc sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 200 điểm cơ bản nhằm ngăn chặn nền kinh tế hạ cánh khó khăn hơn là thúc đẩy một đợt bùng nổ kinh tế nữa. Các nhà kinh tế từ HSBC dự đoán Trung Quốc sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 150 điểm cơ bản ngay trong nửa đầu năm tới.

 

Nhìn chung, việc nới lỏng tiền tệ trở nên cấp bách bởi lo ngại các thị trường cấp vốn toàn cầu đang cạn kiệt và các ngân hàng vướng vào cuộc khủng hoảng nợ công Eurozone vội vã bán tài sản và cắt giảm cho vay. Các thị trường tiền tệ đang bị thắt chặt như từng xảy ra trong vài tuần sau khi Ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ năm 2008. Đối với Trung Quốc nguy cơ chảy vốn nhiều hơn có thể gây thêm căng thẳng trên các thị trường tín dụng vốn đã bị thắt chặt. Đó chính là lý do chính khiến Trung Quốc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần đầu tiên trong gần 3 năm qua.

 

Số liệu thống kê sơ bộ cho thấy tháng 10 vừa qua là tháng đầu tiên kể từ năm 2008 xảy ra tình trạng dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc. Trung Quốc phải cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc nếu muốn giữ nguồn cung tiền ổn định khi tiền gửi tại ngân hàng giảm và thặng dư thương mại bị thu hẹp.

 

Lạm phát của Trung Quốc đã hạ xuống 5,5% vào tháng 10, từ mức đỉnh cao trong ba năm hồi tháng 7, nhưng lãi suất tiền gửi một năm chỉ ở mức 3,5%, tức là người gửi tiền thực nhận lãi suất âm. Do đó bất cứ động thái cắt giảm lãi suất nào cũng có thể làm gia tăng dòng tiền tiết kiệm chuyển hướng sang các sản phẩm tài sản sinh lợi cao hơn hoặc thậm chí là thị trường tín dụng đen mà nhà nước đang tìm cách kiểm soát.

 

PBoC đã 12 lần nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại trong giai đoạn 1/2010- 6/2011, đồng thời liên tục bơm tiền vào hệ thống ngân hàng cũng như lựa chọn cho vay đối với một số doanh nghiệp nhỏ khát vốn.

 

 

NDHmoney.vn

 

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

“VN sẽ tìm được nguồn tài chính khác ngoài ODA”

Ngày đăng : 03/12/2011 - 12:00 AM

Việt Nam có thể tăng trưởng nhanh hơn mà không cần phải tích lũy nợ nhiều hơn nữa, nếu như Chính phủ có thể tái cơ cấu và cải cách nền kinh tế một cách cấp tiến và nhất quán.
"Không nên coi việc chuyển sang nước có thu nhập trung bình là bị yếu thế. Nếu Việt Nam có thể xác lập được vị thế của mình là nước có thu nhập trung bình vững chắc, có sự ổn định kinh tế vĩ mô tốt, khung chính sách chắc chắn, ổn định thì nguồn ODA giảm nhưng Việt Nam sẽ tìm được nhiều nguồn tài chính khác, kể cả từ khu vực tư nhân trong nước và quốc tế."

Đó là khẳng định của bà Sri Mulyani Indrawati, Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) tại cuộc họp báo trưa 3/12 tại Hà Nội.

- Hiện kinh tế Mỹ và châu Âu đang gặp khó khăn, điều này tác động thế nào đến sự phát triển của Việt Nam thưa bà?


Bà Sri Mulyani Indrawat: Việt Nam chuyển từ nước có thu nhập thấp sang nước có thu nhập trung bình cận dưới, chủ yếu là nhờ thương mại, đặc biệt là đẩy mạnh xuất khẩu. Như vậy mức độ dễ bị tổn thương, dễ bị rủi ro của Việt Nam đối với môi trường kinh tế thế giới là rất rõ ràng.

Cho nên tác động từ châu Âu và Mỹ với Việt Nam là nhu cầu giảm đi, trong khi đây là hai điểm đến lớn nhất của các sản phẩm từ Việt Nam. Thứ hai là ảnh hưởng tới tài chính và tài chính thương mại. Vì vậy Việt Nam cần phải lường trước những khó khăn đó và phải rất cẩn trọng về các tác động này, đồng thời cẩn trọng với tình hình suy thoái kinh tế thế giới.

- Với tình hình lạm phát cao hiện nay của Việt Nam (hơn 20%), bà có cho rằng mục tiêu lạm phát một con số trong năm sau là khả thi?

Bà Sri Mulyani Indrawat: Tôi cho rằng với tham vọng đã công bố, Chính phủ Việt Nam phải rất nhất quán và theo cách một cách chắc chắn, để làm sao giảm nhu cầu mà có thể khiến lạm phát bùng phát trở lại hoặc tăng lên trong năm sau.

Lạm phát của Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng do giá nhiên liệu và thực phẩm, vì vậy Việt Nam phải có kỳ vọng hết sức thực tế. Đồng thời Chính phủ phải đảm bảo khả năng của hệ thống tài chính để cung cấp tín dụng, quản lý chặt chẽ nhằm tránh tiêu cực đến chính sách ổn định.

Chúng ta cũng phải đảm bảo khả năng tài chính của hệ thống ngân hàng phải đảm bảo để cung cấp tín dụng và phải quản lýchặt chẽ để tránh được những tác động tiêu cực. Việc chúng ta quản lý tăng trưởng với chất lượng cao hơn, không làm ảnh hưởng tới đà duy trì của lạm phát thì phải đổi mới về mặt cơ cấu chứ không phải làmởrộng tín dụng.

WB cho rằng Việt Nam cần học hỏi các bài học kinh nghiệm của các nước khác, và đảm bảo các chủ thể trong nền kinh tế đều cảm thấy chính sách là nhất quán, mọi thứ nhịp nhàng và có thể kiềm chế được lạm phát.

- Việt Nam đang chuyển sang nước có thu nhập trung bình, vậy mức hỗ trợ tài chính của WB sẽ thay đổi như thể nào? Việc giảm đồng vốn ODA có gây áp lực cho đồng tiền Việt Nam hay không?

Bà Sri Mulyani Indrawat: Thực tế ở nhiều nước có thu nhập trung bình, họ có thể thu hút các nguồn tài chính mà không phụ thuộc hoàn toàn vào ODA. Không nên coi việc chuyển sang nước có thu nhập trung bình là bị yếu thế. Nếu Việt Nam có thể xác lập được vị thế của mình là nước có thu nhập trung bình vững chắc, có sự ổn định kinh tế vĩ mô tốt, khung chính sách chắc chắn, ổn định thì nguồn ODA giảm nhưng Việt Nam sẽ tìm được nhiều nguồn tài chính khác, kể cả từ khu vực tư nhân trong nước và quốc tế.

Như vậy trong lĩnh vực này thách thức của Việt Nam không phải làphụthuộc vào ODA mà quan trọng là chúng ta phải tăng cường được kinh tế vĩ mô và khung chính sách đảm bảo là chúng ta có được tiến bộ thực sự trong đổi mới về mặt cơ cấu và cái đó sẽ tạo ra niềm tin cho mọi người.

Việc Việt Nam chuyển sang nước có mức thu nhập trung bình thì có thể giúp các bên có thể tự tin hơn và thu hút được nguồn tài chính. Như vậy cái này không phải là một thách thức quá lớn trong việc giảm ODA, nếu Chính phủ tiếp tục nhất quán, đưa ra những chính sách chắc chắn và có những chương trình đổi mới hiệu quả thì sẽ không có vấn đề gì.

- Hiện nay tỷ lệ nợ công năm 2011 của Việt Nam vào khoảng trên 54% GDP và trong thời gian qua tỷ lệ nợ công của Việt Nam liên tục tăng cao. Vậy WB có lo ngại gì về tỷ lệ nợ công này hay không và theo đánh giá của bà tỷ lệ nợ công của Việt Nam nên dừng ở mức bao nhiêu GDP là vừa để không rơi vào tình trạng vỡ nợ như một số nước châu Âu đang gặp phải?

Bà Sri Mulyani Indrawat: Hiện nay chúng ta thấy tỷ lệ nợ càng cao thì Chính phủ càng phải quản lý nền kinh tế một cách cẩn trọng hơn. Việt Nam có thể tăng trưởng nhanh hơn mà không cần phải tích lũy nợ nhiều hơn nữa, nếu như Chính phủ có thể tái cơ cấu và cải cách nền kinh tế một cách cấp tiến và nhất quán.

Việt Nam có thể vẫn duy trì được mức tăng trưởng 6% hoặc hơn thế nếu như Việt Nam thực sự nhất quán trong việc đổi mới cải cách các doanh nghiệp Nhà nước, nâng cao hiệu suất nền kinh tế, giảm quan liêu, thủ tục rườm rà và đồng thời nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.

Như vậy, vấn đề ở đây là làm sao chúng ta có thể cải thiện và duy trì được chất lượng tăng trưởng. Đây không phải là chúng ta vay thêm nợ, tỷ lệ nợ có thể giảm được một cách dần dần, nhiều nước trên thế giới họ cũng có kinh nghiệm giảm nợ công dần dần. Nếu chúng ta có được nền kinh tế bền vững và lành mạnh thì đây chính là thách thức cho Việt Nam trong thời điểm này.

Bên cạnh đó, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ Chính phủ Việt Nam ưu tiên trong tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước và để có cơ chế thị trường vững chắc. Ưu tiên của WB là giúp khả năng cạnh tranh của Việt Nam thông qua đổi mới và thông qua chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng, đây là những lĩnh vực mà WB đang thúc đẩy và hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam.

Theo Minh Thúy

Vietnam+


Thất nghiệp ở Mỹ giảm xuống mức thấp

Ngày đăng : 03/12/2011 - 12:00 AM

Tuy nhiên, tình hình vẫn chưa khả quan hơn vì số người chưa có việc làm vẫn ở mức cao.

Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 11 của Mỹ đã giảm xuống 8,6%, đây là mức giảm nhiều nhất trong hơn 2 năm qua.

120.000 là số việc làm mà Mỹ đã tạo ra trong tháng 11 vừa qua, khiến tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm 0,4% so với tháng 10 xuống còn 8,6%, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009.

Bộ Lao động Mỹ cho biết: Các ngành tuyển dụng được nhiều lao động bao gồm khách sạn, quán ăn, các ngành dịch vụ và y tế.  Trong khi đó, tuyển dụng lao động ở khu vực nhà nước vẫn tiếp tục giảm. Tổng thống Mỹ Obama hoan nghênh thông tin này và cho rằng tỷ lệ thất nghiệp giảm trong tháng 11 cho thấy nền kinh tế có dấu hiệu tăng trưởng.

Tổng thống Obama khẳng định: "Chúng ta cần phải duy trì tốc độ tăng trưởng này, tại thời điểm hiện nay Quốc hội Mỹ cần phải gia hạn luật cắt giảm thuế cho tầng lớp người lao động thêm một năm nữa. Quốc hội Mỹ cũng cần gia hạn bảo hiểm thất nghiệp đối với những người dân Mỹ mà hàng ngày họ vẫn phải đi tìm việc làm".

Tổng thống Mỹ Obama cũng nói rằng, ông thất vọng với các nghị sỹ đảng Cộng hòa vì đã ngăn chặn kế hoạch giảm thuế cho tầng lớp người Mỹ trung lưu. Theo ông Obama, việc làm này của Quốc hội Mỹ đồng nghĩa với việc tăng thuế đối với 160 triệu  người Mỹ, trong khi đó lại phản đối tăng thuế đối với những người giàu.

Ông John Boehner, Chủ tịch Hạ viện Mỹ thuộc phe Cộng hòa thì vẫn cho rằng tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vẫn ở mức cao không thể chấp nhận được.

Còn ông Eric Cantor, nghị sỹ Đảng Cộng hòa thì cho rằng: Bản báo cáo về tình hình thất nghiệp đã thể hiện mặt trái của nó. Nếu xét tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống chỉ còn 8,6% thì cảm thấy khá ổn, nhưng  trên thực tế nếu nhìn vào số việc làm cụ thể được tạo ra trong tháng 11 thì mới thấy rằng Mỹ vẫn chưa tạo đủ công ăn việc làm cho người dân.

Theo Minh Hiển

Vietstock


2012: Giai đoạn mới cho tăng trưởng cạnh tranh

Ngày đăng : 02/12/2011 - 12:00 AM

Trong khuôn khổ Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG), Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam đã được khai mạc sáng ngày 2/12.

 

 


Diễn đàn là kênh đối thoại có tổ chức, mang tính xây dựng giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam nhằm xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư và kích thích tăng trưởng kinh tế, với chủ đề “Giai đoạn mới cho tăng trưởng cạnh tranh.”

Diễn đàn năm nay tập trung vào các chủ đề sau: cảm nhận về môi trường đầu tư của các hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài; tóm tắt tình hình kinh tế xã hội Việt Nam năm 2011 và phương hướng phát triển năm 2012; báo cáo từ các Nhóm công tác của Diễn đàn.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đều nhận định, năm  2011, kinh tế vĩ mô chưa ổn định, lạm phát tuy có giảm nhưng vẫn mức cao. Sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là trong điều kiện nguồn vốn tín dụng hạn hẹp, lãi suất đã bắt đầu giảm nhưng vẫn còn cao. Một số doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, giảm hiệu quả thậm chí bị thua lỗ. Thị trường chứng khoán và bất động sản giảm sút. Đời sống nhân dân, nhất là người nghèo, công nhân các khu công nghiệp, vùng miền núi còn nhiều khó khăn.

Phát biểu tại Diễn đàn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, năm 2012 phải tập trung đẩy mạnh nền kinh tế, trước mắt tập trung vào ba lĩnh vực là tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, đầu tư công, tái cơ cấu lại thị trường tài chính trọng tâm là các ngân hàng thương mại. Cả ba nội dung này phải được thực hiện đồng bộ cùng với các chính sách tài khóa đúng đắn.

Cùng với việc thực hiện ba khâu đột phá là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, bền vững xã hội chủ nghĩa với trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; phát triển thêm nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại tập trung vào các công trình giao thông và đô thị lớn.

Ông Vinh cho biết thêm, trong tháng 1/2012 ba đề án tái cấu trúc nền kinh tế nêu trên và các đề án đột phá sẽ được Chính phủ Việt Nam thông qua, đồng thời Chính phủ sẽ trình Quốc hội đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng vào tháng 6/2012.

Bà Keiko Sato, Giám đốc điều phối danh mục đầu tư và hoạt động dự án chương trình Việt Nam cũng cho rằng, khi Việt Nam khi trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thì tăng trưởng luôn là quan trọng, sự cạnh tranh càng trở nên mạnh mẽ hơn, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hiện nay.

“Quan điểm của Chính phủ Việt Nam vẫn muốn ổn định nền kinh tế vĩ mô và chúng tôi nhiệt liệt tán thành những tuyên bố gần đây liên quan đến cải cách kinh tế, tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là hướng vào đầu tư công khu vực doanh nghiệp Nhà nước, khu vực tài chính. Đây là những yếu tố đặc biệt quan trọng để duy trì tính cạnh tranh của Việt Nam khi mà chúng ta tạo ra những nền tảng mới tăng trưởng cho tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ và sát cánh trong quá trình này,” bà Keiko Sato khẳng định.

Tuy nhiên, bà Keiko Sato cũng cho rằng, trong 6 tháng qua, đã có một số vấn đề khó khăn nảy sinh trong khối doanh nghiệp Việt Nam và một số vấn đề này chúng tôi đã nhận được sự chú ý, nhưng một số vấn đề khác vẫn cần tập trung giải quyết với sự tham gia của các cấp khác nhau của Chính phủ.

Ông Simon Andrew, Giám đốc khu vực Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), cũng thừa nhận, năm nay rõ ràng là một năm đầy thử thách đối với các doanh nghiệp Việt Nam, báo cáo cảm nhận môi trường kinh doanh năm nay cho thấy tinh thần của doanh nghiệp ở điểm thấp nhất trong 3 năm, lạm phát đã giảm sút nhưng vẫn còn cao và chính sách tiền tệ thắt chặt vẫn còn đang cần thiết đã tạo ra những rào cản đối với doanh nghiệp nhỏ và tăng hệ rủi ro đối với hệ thống ngân hàng.

Tất cả những vấn đề này đang tạo ra những khó khăn cho các hộ gia đình, doanh nghiệp, đặc biệt khi chúng ta gặp phải cuộc khủng hoảng ngân hàng, điều đó ảnh hưởng đến thị trường vốn toàn cầu.

Ông Simon hy vọng có được cuộc cải cách doanh nghiệp Nhà nước, khu vực tài chính cũng như cải cách ngân sách Nhà nước tốt hơn. Những cải cách quan trọng này sẽ song hành với việc phát triển cạnh tranh kinh tế của Việt Nam.

 


 Vietnamplus

 


Lạm phát 18% tác động gì đến cân đối vĩ mô?

Ngày đăng : 02/12/2011 - 12:00 AM

Với lạm phát rất cao, GDP theo giá thực tế ước tính tăng trên dưới 24% trong năm nay.

 


Báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa được chuyển đến Chính phủ xem xét. Trong đó, đáng chú ý là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) so với cùng kỳ ước tính có thể tăng khoảng 18% vào tháng tới.

Trước đó, Tổng cục Thống kê cho biết, CPI tháng 11/2011 đã tăng 17,5% so với cuối năm trước. Với xu hướng giá cả hiện nay, dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là tương đối hợp lý, chỉ trừ trường hợp có những đột biến lớn về cung, cầu và dòng tiền trong tháng cuối năm nay.

Nhưng, với sự thay đổi chóng mặt so với chỉ tiêu CPI được Quốc hội thông qua hồi cuối năm ngoái (gấp khoảng 2,5 lần), chắc chắn lạm phát có ảnh hưởng đến những cân đối vĩ mô quan trọng khác.

Chẳng hạn như chỉ tiêu tăng trưởng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, năm nay GDP sẽ tăng gần 6% so với năm 2010, trong đó nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khoảng 2,3%; công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 7%; dịch vụ tăng khoảng 6,4%.

“Kết quả này là rất đáng khích lệ trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước đang gặp nhiều khó khăn”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết như như vậy khi lý giải cho việc GDP không đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Nhưng với lạm phát rất cao, GDP theo giá thực tế ước tính tăng trên dưới 24% trong năm nay. Trong bối cảnh tỷ giá USD/VND được kiểm soát, quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người Việt Nam đang tăng mạnh.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy mô nền kinh tế năm 2011 đạt khoảng 119 tỷ USD; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 1.355 USD/người, trong khi năm ngoái dự báo là 1.300 USD/người.

Ưu thế cạnh tranh của Việt Nam về chi phí lao động rẻ bị ảnh hưởng thế nào với tình hình mới này? Phải chăng vốn FDI đăng ký giảm mạnh trong năm nay là hệ lụy? Nhập khẩu tiêu dùng có nhân việc người Việt “giàu” lên mà đổ vào nhiều hơn? Những vấn đề này gần đây cũng đã bắt đầu được đặt ra.

Trước mắt, rất khó đo đếm tác động từ suy thoái kinh tế thế giới và giảm sút tăng trưởng GDP ở Việt Nam đến tình hình sản xuất kinh doanh, cũng bởi tăng trưởng sản lượng thì “hụt hơi”, nhưng giá trị thực tế lại tăng khủng khiếp.

Nhưng ít nhất, triển vọng kinh doanh trong mắt các nhà đầu tư, kể cả trong nước và nước ngoài, cũng đã khác khi tỏ ra thận trọng hơn.

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/11, cả nước có 70.145 doanh nghiệp được thành lập mới, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Ước thực hiện năm 2011, cả nước có khoảng 79,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 5,4% so với năm 2010.

Hay một tham khảo khác, thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến 20/11 chỉ đạt khoảng 12,7 tỷ USD, bằng 83,8% cùng kỳ năm 2010, trong đó đáng chú ý là vốn đăng ký mới chỉ đạt hơn 9,9 tỷ USD từ 919 dự án được cấp phép mới, giảm 25,4% về vốn và 21,3% về số dự án so với cùng kỳ năm trước.

Đương nhiên tăng trưởng theo giá thực tế cao sẽ góp phần nào đó tăng thu ngân sách. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, luỹ kế đến ngày 15/11, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 586 nghìn tỷ đồng, bằng 98,5% dự toán năm. Bộ này ước tính, cả năm 2011, thu ngân sách sẽ đạt khoảng 674,5 nghìn tỷ đồng, tức là tăng khoảng 80 nghìn tỷ đồng so với dự toán.

Nhưng thu cao không có nghĩa giảm được bội chi về mặt con số tuyệt đối. Cũng theo Bộ kế hoạch và Đầu tư, uớc chi ngân sách cả năm nay đạt khoảng 796 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 13,4% so với dự toán và tăng 20,6% so với thực hiện năm 2010.

Có nghĩa là, bội chi ngân sách năm nay, theo số liệu trên, có thể ước tính vào khoảng 121,5 nghìn tỷ đồng, cao hơn chút ít so với chỉ tiêu dự toán 120,6 nghìn tỷ đồng. Nhưng do GDP theo giá thực tế tăng rất cao như nói ở trên, bội chi ngân sách so với GDP cả năm nay giảm xuống còn khoảng 4,9%, thấp hơn kế hoạch đề ra là 5,3%.

Một điểm đáng chú ý khác là do lạm phát cao, tỷ giá dù được kìm hãm cũng đã có điều chỉnh nhất định, trách nhiệm nợ nước ngoài của Chính phủ đã có dấu hiệu “phình” lên.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng chi ngân sách đến 15/11ước đạt 639,1 nghìn tỷ đồng, bằng 88,1% dự toán năm, trong đó riêng chi trả nợ và viện trợ là vượt dự toán 0,4%, tương ứng với 86,4 nghìn tỷ đồng tính từ đầu năm.

 

Bình Minh

 NDHMoney


 


Đẩy nhanh sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước

Ngày đăng : 01/12/2011 - 12:00 AM

Ngay sau khi kết thúc phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11, chiều 1/12, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã chủ trì cuộc họp báo, thông báo những nội dung chính của phiên họp.

 


Trả lời câu hỏi của các phóng viên liên quan đến triển khai kế hoạch đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định: Chủ trương của Chính phủ là đẩy nhanh hơn nữa quá trình sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và thực hiện tốt hơn vai trò của doanh nghiệp Nhà nước, đáp ứng yêu cầu cấp thiết hiện nay. Việc sắp xếp, đổi mới có nhiều hình thức; đối với những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ thì cần phải sắp xếp lại để bảo toàn vốn.

 

Về những giải pháp để thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6% và lạm phát xuống 1 con số trong năm 2012, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết cuối tháng 12, Chính phủ sẽ họp với các địa phương về vấn đề này và đề ra chương trình hành động. Trước mắt, sẽ cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại, các tập đoàn và tổng công ty Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư; đồng thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về chính sách tín dụng, thuế...

 


Liên quan đến điều hành lãi suất, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Đồng Tiến cho rằng mục tiêu của năm tới kiểm soát lạm phát ở mức thấp hơn năm nay, có cơ sở để điều hành lãi suất giảm hơn nhưng ở mức độ nào, bao nhiêu còn phải tính toán thận trọng thêm. Mặt khác, chính sách tiền tệ chỉ là một bộ phận trong chính sách điều hành kinh tế vĩ mô.


Đề cập việc tái cơ cấu các ngân hàng thương mại, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhấn mạnh nguyên tắc và mục đích là để hệ thống ngân hàng nói riêng cũng các như thiết chế tài chính nói chung hoạt động lành mạnh, an toàn, hiệu quả.


Theo Bộ trưởng, hiện Việt Nam chưa có ngân hàng thương mại hay thiết chế tài chính đủ mạnh tầm khu vực, do vậy c ần có một bước căn bản để đến năm 2015 phải có ít nhất một ngân hàng có quy mô tầm khu vực.


Đối với các ngân hàng ngoài quốc doanh, ngân hàng nào phát triển tốt thì phải được tạo điều kiện để làm tốt hơn, chỗ nào đang khó khăn thì cần được giúp đỡ để bớt khó khăn, hoạt động ổn định. Tinh thần chung là cổ phần hóa các ngân hàng và mức độ cổ phần hóa đại chúng, rộng rãi, đảm bảo minh bạch, an toàn theo các tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó cũng phải tiến hành sắp xếp các tổ chức tín dụng và các định chế tài chính.../.

 


Thanh Hòa (TTXVN/Vietnam+)
 


 

Tin mới cập nhật