Ngày đăng :
07/12/2011 - 4:26 PM
PTC, KSH, PNJ tăng mạnh 4 phiên liên tiếp; NĐT trở nên nhạy cảm hơn với tin xấu trong khi các tin tốt trước đó vẫn chỉ là động thái “nước xa không cứu được lửa gần”.
Vn-Index lại xuống dưới 390 điểm. Sóng ngắn hơn dự tính khi thị trường chỉ khởi sắc được 2 phiên. Cung hàng chốt lời lại tăng mạnh sau khi một số NĐT đã có lãi (dù ít) khi tham gia bắt đáy vào cuối tháng 11.
NĐT trở nên nhạy cảm hơn với tin xấu trong khi các tin tốt trước đó (kỳ vọng hạ lãi suất, giải pháp cứu chứng khoán, dự thảo quỹ mở…) vẫn chỉ là động thái “nước xa không cứu được lửa gần”. Vụ việc xảy ra với SME ngày hôm qua như giọt nước làm tràn ly khiến Sở GDCK Hà Nội phải dùng biện pháp mạnh lần đầu tiên, đó là đưa cổ phiếu SME vào diện kiểm soát và chỉ cho giao dịch vào thứ 6 hàng tuần, đồng thời đình chỉ tạm thời giao dịch của SME tại Sở GDCK Hà Nội trong 1 tháng kể từ 7/12/2011 – 7/1/2012 để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.
Trước thông tin như vậy sáng nay hai sàn chứng khoán đều giảm cả về điểm số lẫn KLGD.
Vn-Index đóng cửa giảm gần 3 điểm xuống 387,21 điểm (-0,77%). KLGD đạt 30,8 triệu cổ phiếu, tương đương 406 tỷ đồng, giảm hơn 18,7% về KLGD so với phiên trước đó.
SJS thời gian này được mua khá mạnh, sáng nay tăng trần phiên thứ 5 liên tiếp lên 20.500 đồng/cp, tính trong 10 phiên trở lại đây, SJS đã tăng 28%. Một số cổ phiếu bất động sản khác duy trì được đà tăng mạnh là CTD (tăng trần 4 phiên liên tiếp, sáng nay tăng trần lên 32.300 đồng/cp), NTL, TDH…
Cổ phiếu KSH sau 13 phiên giảm sàn liên tiếp, sau đó tăng trần 3 phiên liên tiếp lên 11.500 đồng/cp; PTC sau 23 phiên giảm liên tiếp cũng tăng trần 4 phiên; đối với cổ phiếu PNJ, sau khi thông tin cổ phiếu này được đưa vào rổ tính chỉ số FTSE Vietnam ETF thay cho cổ phiếu ITC, PNJ đã tăng 4 phiên liên tiếp từ 35.200 đồng/cp lên 40.600 đồng/cp vào sáng nay (tăng 15%).
Tại nhóm bluechips, CTG sáng nay giảm 600 đồng, các cổ phiếu HAG, EIB, BVH, SSI, VIC, VCB giảm nhẹ 100 – 500 đồng.
VKP sau khi tăng hơn 100% so với đáy lên 1.300 đồng/cp ngày hôm qua, sáng nay giảm sàn xuống 1.200 đồng/cp; một số mã khác giảm sàn là L10, CLW, CNT, CAD, DXG, HTV, HU3…Toàn thị trường có 40 mã giảm sàn cuối phiên.
Bên sàn Hà Nội, HNX-Index giảm 0,27 điểm xuống 62,51 điểm (-0,43%). Sáng nay SME không được giao dịch, ORS dư bán sàn hơn 1,6 triệu cổ phiếu, BVS, VND, VCG, KLS giảm 200 – 400 đồng, VND sáng nay khớp lệnh hơn 3 triệu đơn vị, KLS khớp lệnh hơn 2,5 triệu đơn vị; KTS sau 4 phiên giao dịch 100 đồng/phiên, sáng nay không có giao dịch.
Cổ phiếu SPP của CTCP Bao bì Nhựa Sài Gòn sáng nay có dư bán sàn hơn 300 nghìn cp, khớp lệnh 1 lô 100 cổ phiếu. Trong khi đó, WSS cuối phiên có dư mua sàn hơn 1 triệu đơn vị giá 5.000 đồng/cp.
Theo phân tích của SSI, việc quá trình tái cấu trúc các ngân hàng diễn ra nhanh hơn dự kiến thì khả năng những biến động mạnh trên thị trường liên ngân hàng sẽ giảm bớt trong thời gian tới. Tuy vậy, lãi suất chưa thể giảm ngay truớc áp lực về tỷ giá và cầu tiền mặt tăng vào cuối năm.
SSI cho rằng nhiều khả năng thị trường có thêm ít nhất một phiên giằng co nữa quanh mốc 390 điểm do hiệu ứng bán chốt lời ngắn hạn của các nhà đầu tư bắt đáy ở vùng giá thấp.
Theo Phương Mai
TTVN
|
Ngày đăng :
07/12/2011 - 4:20 PM
HNX cũng như Trung tâm lưu ký đã có "án phạt" rất nặng đối với SME sau những sai phạm liên tiếp của công ty này đối với nghĩa vụ thanh toán cho VSD.
Hôm qua (6/12), bên cạnh thông tin 3 ngân hàng sáp nhập, thị trường đón nhận thông tin CTCK SME bị Trung Tâm lưu ký đình chỉ tạm thời hoạt động thanh toán bù trừ giao dịch chứng khoán trong 1 tháng (từ 7/12/2011 – 7/1/2012), ngay sau đó, HNX thông báo đình chỉ hoạt động giao dịch của SME trên sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (cả thị trường niêm yết và UpCOM) trong 1 tháng, đưa cổ phiếu SME vào diện kiểm soát, chỉ được giao dịch trong phiên thứ 6 hàng tuần kể từ ngày 7/12/2011.
Thông tin SME lần thứ 2 mất thanh khoản đã xuất hiện vào sáng hôm qua nhưng cuối phiên mã này vẫn tăng trần và không có dư bán, tuy nhiên sáng nay SME đã bị ngưng giao dịch và chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần.
Hai sàn đổ dốc đầu phiên, VN-Index giảm hơn 1 điểm trong đợt 1 xuống 389,15 điểm. KLGD đợt 1 đạt hơn 1,6 triệu cp, tương đương hơn 25 tỷ đồng.
Sang đợt 2, VN-Index tiếp tục giao dịch dưới 390 điểm, tuy nhiên một số cổ phiếu có dấu hiệu khởi sắc trở lại. MSN tăng 1.000 đồng, SJS, STB, PVF, ITA đang được mua mạnh mặc dù trước đó các cổ phiếu này hầu hết đều giảm điểm, ITA đang tiến sát giá trần.
Trong khi đó, CTG, HCM, FPT giảm nhẹ, SSI, VCB, VIC, VNM đứng giá,
SJS chỉ có dư mua giá sàn 4.100 đồng/cp; MBB giảm 1.200 đồng so với giá tham chiếu, xuống 11.600 đồng/cp do hôm nay là ngày GDKHQ tạm ứng cổ tức năm 2011 tỷ lệ 12% bằng tiền mặt.
CTD tiếp tục tăng trần phiên thứ 4 lên 32.300 đồng/cp; PTC cũng tăng trần phiên thứ 4 sau 23 phiên giảm liên tiếp.
Bên sàn Hà Nội, HNX-Index tăng nhẹ 0,15 điểm lên 62,89 điểm tuy nhiên số mã giảm giá vẫn cao hơn số mã tăng giá. ORS giảm sàn phiên thứ 3, dư bán sàn hơn 1,8 triệu cổ phiếu, BVS, KLS, VND, VCG điều giảm điểm, KLGD cũng như tốc độ giao dịch giảm mạnh so với phiên hôm qua.
Theo Phương Mai
TTVN
|
Ngày đăng :
07/12/2011 - 10:12 AM
Việc đua gom mua cổ phiếu thị giá thấp đang diễn ra khá sôi động, đồng nghĩa với những rủi ro về mất trắng tài sản mà NĐT có thể phải gánh chịu.
Làm ăn thua lỗ khiến nhiều mã cổ phiếu của các công ty niêm yết bị giảm thê thảm, xuống mức giá thấp chưa từng thấy trong lịch sử. Tuy nhiên, hiện nay cuộc đua tranh gom những mã có thị giá thấp này lại diễn ra khá sôi động, điều này đồng nghĩa với những rủi ro về khả năng mất trắng tài sản mà nhà đầu tư có thể phải gánh chịu.
Cổ phiếu thấp do thua lỗ
Theo dõi thị trường chứng khoán trong nước có thể thấy, thời gian gần đây kênh đầu tư này đang rơi vào giai đoạn khủng hoảng rất lớn, khi các chỉ số trên cả hai sàn liên tục tụt giảm. Điều đáng lưu ý hơn là bảng điện tử ngày càng xuất hiện nhiều hơn những cổ phiếu giá rẻ, tụt thấp xa mệnh giá.
Việc các cổ phiếu giảm mạnh xuống dưới mệnh giá có rất nhiều nguyên nhân, nhưng một vấn đề mấu chốt sâu xa có thể dễ nhìn thấy rằng hầu hết các mã này đều bị làm ăn thua lỗ, thậm chỉ trong nhiều năm liên tiếp.
Mã cổ phiếu đầu tiên phải kể đến đó là cổ phiếu VKP của Công ty cổ phần nhựa Tân Hóa. Theo công bố của Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM thì, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và tài chính Công ty cổ phần nhựa Tân Hóa đã vào danh sách báo động cao khi bị lỗ liên tiếp trong năm 2009 và năm 2010.
Thậm chí, trong năm 2011 này khả năng thu lỗ của công ty này cũng khá cao vì theo Báo cáo tài chính quý 3/2011 cho thấy, công ty lỗ trong quý 3/2011 là 9,48 tỷ đồng, tổng lỗ trong năm 2011 là 30,86 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến ngày 30/9/2011 là 116,87 tỷ đồng.
Chính sự thua lỗ này đã kéo cổ phiếu của công ty bị giảm nhanh đến mức chóng mặt, từ mức khoảng 40 nghìn đồng/cổ phiếu thời mới niêm yết, đến nay cổ phiếu này chỉ còn quanh ở mức trên dưới 1 nghìn đồng.
Cùng với VKP, cổ phiếu TRI của Công ty cổ phần nước giải khát Sài Gòn cũng là một điển hình cho sự thua lỗ.
Trong danh sách chứng khoán thuộc diện theo dõi đặc biệt của Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM, Công ty này đã bị tạm ngừng giao dịch từ ngày 25/3/2010 do kết quả kinh doanh 2008, 2009 lỗ, tuy nhiên hiện nay đã được giao dịch trở lại nhưng dưới dạng bị kiểm soát.
Hiện nay, công ty này cũng đang gặp rất nhiều trở ngại do kết quả kinh doanh không được khả quan và thua lỗ. Giá cổ phiếu của công ty này cũng chỉ còn 2 nghìn đồng/cổ phiếu.
Với mệnh giá chưa đến 3 nghìn đồng/cổ phiếu, mã chứng khoán MHC của Công ty cổ phần cũng rơi vào tình trạng bị kiểm soát. Nguyên nhân do Công ty đã bị tạm ngừng giao dịch từ ngày 08/04/2011 do kết quả kinh doanh 2009, 2010 lỗ và được giao dịch trở lại dưới dạng bị kiểm soát.
Cổ phiếu CYC của Công ty cổ phần Gạch men Chang Yih cũng rơi vào diện bị kiểm soát. Công ty đã từng bị tạm ngừng giao dịch từ ngày 14/6/2011 do kết quả kinh doanh 2009, 2010 lỗ và được giao dịch trở lại dưới dạng bị kiểm soát. Hiện mệnh giá của cổ phiếu này chỉ hơn 3 nghìn đồng/cổ phiếu.
Nguy cơ mất trắng rất cao
Mặc dù bị thua lỗ nặng nề nhưng những cổ phiếu có mệnh giá thấp trong thời gian gần đây, lại thu hút được khá nhiều nhà đầu tư tham gia thu mua vào, đẩy những mã này tăng một cách bất thường.
Theo một nhà đầu tư chứng khoán, nguyên tắc đầu tư lâu dài nói chung của các nhà đầu tư là phải chọn những cổ phiếu tốt, điều này thể hiện qua việc kinh doanh và mức lợi nhuận mà bản thân công ty đó đem lại. Tuy nhiên trong những trường hợp cụ thể như những cổ phiếu có mức giá thấp đến “ngỡ ngành” như hiện nay, thì có thể xem lại là một cơ hội khá tốt cho giới đầu tư lướt sóng.
Với mệnh giá cổ phiếu không đáng là bao như hiện nay (chỉ từ 1 – 3 nghìn đồng/cổ phiếu), thì các nhà đầu tư có lượng tiền ít vẫn có thể tham gia đầu tư và lượt sóng kiếm lời một cách dễ dàng, thậm chí còn không khó để làm giá, nhà đầu tư này chia sẻ.
Có lẽ đây chính là nguyên nhân chính giải thích cho việc vì sao trong thời gian ngắn trở lại đây, trên sàn chứng khoán lại xuất hiện khá nhiều cổ phiếu có mệnh giá thấp, nhưng lại tăng giá “bất thường”.
Điển hình như cổ phiếu VKP, tiềm năng đầu tư lâu dài dường như không còn, nhưng việc lần đầu tiên trên thị trường bị rơi xuống mệnh giá dưới 1 nghìn đồng/cổ phiếu, đã khiến nhiều nhà đầu tư để ý.
Trong 4 ngày tăng trần liên tiếp gần đây, giá cổ phiếu VKP đã đem lại mức sinh lời khá cao cho nhà đầu tư. Khi hiện nay nó đã tăng tới hơn 40%, từ mức 900 đồng lên 1.300 đồng/cổ phiếu.
Hay như cổ phiếu CMT của Công ty cổ phần Công nghệ Mạng và Truyền thông, cũng đã thời gian tăng nằm ngoài sự kiểm soát của công ty, khi có tới trần 5 phiên tăng trần liên tiếp (từ ngày 23/11 - 29/11). Cổ phiếu này cũng có mệnh giá rất thấp thấp, dưới 10 nghìn đồng/cổ phiếu.
Như vậy có thể thấy được rằng việc tham gia đầu tư những cổ phiếu có mệnh giá thấp này, đã tạo được mức sinh lời rất lớn. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ thì việc tham gia đầu tư những cổ phiếu này lại đem lại rất nhiều rủi ro, khả năng trắng tay là một điều khó tránh khỏi.
Theo dõi thị trường chứng khoán và tình hình kinh doanh của các công ty có thể dễ dàng nhận thấy, việc các cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán có mệnh giá thấp hầu hết là do làm ăn thua lỗ. Không những vậy, quá trình của những công ty này diễn ra triền miên, nợ nần chồng chất và phá sản do không trả được nợ là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Ngoài ra, theo quy định, nếu hoạt động kinh doanh bị lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng lỗ lũy kế vượt quá vốn chủ sở hữu, cổ phiếu của doanh nghiệp đó sẽ bị hủy niêm yết.
Như vậy, nếu điều này xảy ra, những nhà đầu tư đã tham gia mua vào những cổ phiếu này sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất thanh khoản do bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán.
Theo Minh Hường
VnMedia
|
Ngày đăng :
07/12/2011 - 10:08 AM
Những thông tin các quỹ nước ngoài giải ngân, cùng với động thái giao dịch lô lớn xuất hiện ngày càng nhiều, giới đầu tư hy vọng, dòng tiền lớn đang đổ vào TTCK.
"Dòng tiền chỉ mới dịch chuyển"
Ông Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP. HCM
TTCK cũng như ngành ngân hàng hiện quá nhạy cảm, thông tin và hiệu ứng đám đông vẫn rất chi phối trong các quyết định của nhà đầu tư. Vì thế, không tránh được tình trạng người ta nói quá lên một vài thông tin vì một mục đích nào đó. Riêng cá nhân tôi chưa thấy có tín hiệu gì cho thấy có dòng tiền lớn đang đổ vào TTCK.
Mặc dù vậy, với một loạt biện pháp cải cách TTCK được nêu ra gần đây, tuy chưa mang tính cách mạng nhưng có tính chiến thuật, nên ít nhiều đã tác động và làm chuyển dịch dòng tiền.
Thêm vào đó, PE của nhiều cổ phiếu đã quá rẻ, giá một số cổ phiếu xuống thấp đến vô lý… là cơ sở để nhà đầu tư xem xét quay lại với TTCK.
Tuy nhiên, để có dòng tiền lớn đổ vào TTCK, vẫn cần một cú hích lớn từ kinh tế vĩ mô. Trong khi đó, nhìn tổng quát, nền kinh tế nói chung vẫn chưa có điểm sáng gì đặc biệt. Sớm nhất cũng phải chờ đến quý III, quý IV sang năm mới hy vọng các yếu tố kinh tế chủ yếu lạc quan hơn.
"Dòng tiền chuẩn bị đón cơ hội lớn"
Ông Phan Dũng Khánh, Trưởng phòng Phân tích đầu tư CTCK Kim Eng Việt Nam (KEVS)
Theo quan sát của chúng tôi, có hiện tượng dòng tiền lớn đang vào TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, dòng tiền này chưa đổ trực tiếp vào thị trường niêm yết thông qua các giao dịch trên sàn.
Động thái chính của dòng tiền này là đổ vào các công ty chưa niêm yết, thông qua các hình thức mua bán, sáp nhập, tăng sở hữu cổ phần. Đặc biệt, hiện tượng nhà đầu tư gom mua cổ phiếu từ các cổ đông lớn trong DN xuất hiện ngày một nhiều.
Bằng cách này, việc thu gom lô lớn dễ dàng hơn và giá cổ phiếu vẫn ở mức thấp, đảm bảo cho người mua không phải tốn kém quá nhiều mà vẫn tham gia sâu vào hoạt động của DN. Vì thế, về ngắn hạn, chuyển động của dòng tiền vẫn chưa tác động đến TTCK. Tuy nhiên, theo dự đoán của tôi, từ giữa năm 2012 trở đi, tín hiệu tích cực từ dòng tiền sẽ hỗ trợ thị trường niêm yết tốt hơn.
Hiện tại, khi TTCK vẫn diễn biến xấu, người tham gia đầu tư trên sàn chưa có động lực để chú ý đến các diễn biến giao dịch ngoài sàn. Nhưng về lâu dài, khi hiện tượng thu mua cổ phiếu lô lớn lan rộng, nhà đầu tư sẽ không thể thờ ơ. Đó là lúc TTCK có cơ sở để khởi sắc trở lại.
Ngoài ra, năm 2012 là năm mà cam kết hội nhập WTO của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực chính thức có hiệu lực. Vì thế, không loại trừ trường hợp, một lượng tiền đáng kể hiện đang làm công việc "thu gom".
Một số đối tượng mua trước, đón đầu cơ hội và sẵn sàng chuyển nhượng cho các đối tác có nhu cầu. Khi đó, để chuyển nhượng được giá tốt, nhà đầu tư có thể sẽ gom mua thêm phần nhỏ cổ phiếu trên sàn để đẩy giá lên.
Có một yếu tố cũng cần suy xét là tính chu kỳ. Trong 100 năm trở lại đây, cứ 10 năm một lần, kinh tế thế giới lại xảy ra khủng hoảng. Thời gian từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc của chu kỳ khủng hoảng là 5 năm.
Như vậy, lấy năm 2007 là mốc khởi phát cuộc khủng hoảng thì năm 2012 sẽ là năm kết thúc. Nghĩa là chúng ta có thêm cơ sở để tin rằng, TTCK Việt Nam sẽ đi lên từ năm 2012. Rõ ràng, một số tổ chức, cá nhân đã nhìn trước tương lai này và đang hành động.
"Dòng tiền chờ chính sách"
Ông Louis Nguyễn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Đầu tư Saigon Asset Management (SAM)
Theo tôi cảm nhận thì dòng tiền hiện vẫn chưa có gì thay đổi. Nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài vẫn lo ngại lạm phát, lãi suất, tỷ giá đang ở mức cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đồng vốn mà họ bỏ ra. Vì vậy, đa số nhà đầu tư vẫn giữ thái độ thận trọng.
Muốn thu hút dòng vốn, đặc biệt là dòng vốn ngoại, tôi cho rằng, Nhà nước cần có giải pháp cụ thể về các chính sách liên quan đến lãi suất, lạm phát, tỷ giá. Khi đó, các nhà đầu tư mới có cơ sở để tin tưởng và đổ vốn vào.
Ngoài ra, Nhà nước cần thúc đẩy cổ phần hóa để đưa hàng hóa có chất lượng cao ra thị trường… Năm 2012, chúng tôi trông đợi Nhà nước có nhiều hành động cụ thể và chương trình rõ ràng để thu vốn đầu tư nước ngoài vào TTCK và nền kinh tế.
Theo Ngọc Thủy
ĐTCK
|
Ngày đăng :
07/12/2011 - 9:16 AM
Theo lộ trình, sau IPO, BIDV sẽ lên sàn Hose. Xét về quy mô và tầm cỡ, sàn Hose sẽ có thêm 1 đại gia ngân hàng cùng với VCB và CTG. Dưới đây là 1 số so sánh giữa 3 đại gia này.
Sự kiện phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của ngân hàng BIDV đang là 1 sự kiện nóng của thị trường tài chính Việt Nam. Sau khi IPO, theo lộ trình BIDV cũng sẽ lên niêm yết trên sàn Hose.
Cùng với Vietcombank (VCB) và Vietinbank (CTG) đã niêm yết, xét về quy mô thì BIDV, VCB và CTG có thể được xếp vào hàng "đại gia" ngân hàng của Việt Nam trên Hose.
Ngày 6/12/201, BIDV đã công bố giá khởi điểm đấu giá IPO là 18.500 đồng/cp; giá đóng cửa hôm nay của VCB là 22.200 đồng/cp; giá đóng cửa của CTG là 20.200 đồng/cp.
Dưới đây là hình ảnh của 3 đại gia dưới 1 số chỉ tiêu tiêu biểu.
Xin lưu ý rằng chúng tôi không đưa ra nhận định rằng giá khởi điểm đấu giá của BIDV 18.500 đồng/cp là cao hay thấp? hợp lý và hấp dẫn hay không? mà chỉ đưa ra 1 số 1 số thông tin khái quát nhất để nhà đầu tư (cùng với các thông tin, phân tích khác) tham khảo và tự đưa ra đánh giá nhận định cho riêng mình.
Tổng tài sản, dư nợ, huy động vốn
Tổng tài sản/Dư nợ/Huy động của 3 ngân hàng đến cuối Q3/2011
(Số liệu hợp nhất theo BCTC)
Các chỉ tiêu về tổng tài sản, dư nợ, huy động vốn thì dẫn đầu là Vietinbank (CTG), tiếp đến là BIDV và VCB.
Duy nhất chỉ có VCB là tăng trưởng dương về huy động tiền gửi của khách hàng (tăng 8,49%) trong khi tiền gửi của BIDV và VCB đều giảm.
Tăng trưởng tổng tài sản của Vietinbank cũng cao hơn so với 2 ngân hàng kia.
CAR, Nợ xấu
(Số liệu đến cuối Q3/2011)
Nợ xấu (nợ nhóm 3-4-5) của BIDV và VCB tương đương nhau với hơn 7.400 tỷ đồng, trong khi của CTG chưa đến 4.000 tỷ đồng.
Xét về tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ, CTG thấp nhất đạt 1,44%. Của VCB và BIDV lần lượt là 3,94% và 1,44%.
Quy mô nhân lực
Lợi nhuận, ROA, ROE
Năm 2010, VCB có lợi nhuận trước thuế hợp nhất lớn nhất, đạt gần 5.500 tỷ đồng. Lợi nhuận của BIDV và CTG xấp xỉ nhau (~4.600 tỷ đồng).
Trong 9 tháng đầu năm nay thì lợi nhuận của CTG tăng vọt lên gần 6.000 tỷ đồng, cao hơn 30% so với cả năm 2010.
VCB đạt 4.615 tỷ đồng, lợi nhuận có thể tăng mạnh trong Q4 khi hạch toán lợi nhuận từ việc bán cổ phần của ngân hàng Shinhan Vina.
BIDV đạt 3.182 tỷ đồng LNTT 9 tháng. Theo như công bố thông tin cổ phần hóa thì LNTT 11 tháng đầu năm của ngân hàng BIDV đạt 4.100 tỷ đồng.
Theo “tiền lệ” thì lợi nhuận của VCB và CTG đã tăng mạnh sau khi cổ phần hóa.
Lượng vốn huy động qua đấu giá lần đầu
Tính theo khối lượng vốn cần huy động (khối lượng đấu giá nhân với giá khởi điểm) thì đợt đấu giá của BIDV dự kiến huy động 1.568 tỷ đồng.
Vốn hóa
Tính theo giá khởi điểm 18.500 đồng và vốn điều lệ dự kiến thì vốn hóa của BIDV đạt hơn 52.265 tỷ đồng - lớn nhất trong số 3 ngân hàng.
Vốn hóa của CTG đã tạm tính lượng cổ phiếu đang chào bán cho cổ đông hiện hữu.
Cơ cấu dư nợ
Cơ cấu dư nợ theo kỳ hạn tại BIDV, VCB và CTG
Cơ cấu dư nợ của 3 ngân hàng đều tập trung chủ yếu ở kỳ hạn ngắn tuy nhiên phân bổ tỷ lệ có sự khác nhau. Trong khi dư nợ ngắn hạn tại BIDV và VCB chỉ 54-55% thì tỷ lệ này ở CTG lên xấp xỉ 60%.
Dư nợ cho vay dài hạn tại BIDV và VCB đều trên 33% thì tại CTG chỉ 29,54% dư nợ dài hạn. Dư nợ dài hạn cao tại BIDV do đây là ngân hàng bán buôn và được Chính phủ chỉ định là ngân hàng giản ngân các khoản vay ODA. Trong khi đó CTG sau cổ phần hóa đã chuyển hóa và phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ.
Mạng lưới
Mạng lưới của các ngân hàng
Theo thông tin từ các ngân hàng thì đến năm 2011 mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch của 3 ngân hàng đều phủ khắp cả nước.
Trong đó CTG phát triển mạnh số lượng PGD, tuy nhiên VCB và BIDV thì tăng trưởng mạnh số ượng ATM.
Số lượng chi nhánh của BIDV vượt qua VCB và lọt vào top 3 ngân hàng có số lượng chi nhánh và PGD trên cả nước, sau Agribank và CTG.
Theo TTVN
|